Back
khóa học biếng ăn tâm lý ở trẻ em

Hành trình làm mẹ của admin Quỳnh Anh

Tôi tên là Vũ Quỳnh Anh, tôi đến Mỹ học từ năm cấp 3 và sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Dược sĩ, tôi ở lại đây sinh sống, làm việc, lập gia đình. Hành trình làm mẹ của tôi cũng bình thường như các bà mẹ khác, cho đến khi tôi nhận ra việc cho con ăn khó khăn đến thế nào. 

Đầu tiên là khi hết tháng trăng mật, con bắt đầu nhai, cắn núm, giãy dụa, ưỡn người và không chịu bú hết bình sữa mặc dù trước đó, con ăn rất ngoan. Nghĩ do con vào tuần khủng hoảng, hết thời gian này, con sẽ ăn ngoan trở lại, tôi cố gắng tạm thời mời con ăn thêm nhiều lần, thậm chí lừa con ăn khi con ngủ. Nhưng những chuỗi ngày vật lộn với con mỗi bữa ăn này cứ kéo dài vô tận, tôi không còn nhớ nổi lần cuối con nhìn thấy bình sữa mà vui vẻ, há mồm đón như chim non há mỏ chờ mồi là khi nào.

Lo lắng con ăn không đủ, tăng cân chậm, tôi dùng mọi cách để có thể đưa sữa chót lọt vào dạ dày của con: đút thìa, ống bón. Thái độ ăn của con không những không cải thiện mà còn xấu đi trông thấy: con không chịu nuốt sữa trong miệng và nhổ sữa.

Con không ăn và chững cân trong thời gian dài, các bác sĩ yêu cầu chúng tôi đưa con vào viện. Tại đây, người ta lắp cho con một ống thông từ mũi tới dạ dày (từ chuyên môn là NG tube), ống thông này sẽ chuyển trực tiếp sữa vào dạ dày của con. Tôi đã khấp khởi hi vọng rằng sau khi lắp ống này, tôi sẽ còn không phải chật vật ghì con, giữ con cả tiếng đồng hồ mỗi lần cho con ăn nữa.

Nhưng cơ thể con vẫn tìm ra cách bày tỏ thái độ bất hợp tác với việc ăn: khi sữa được bơm vào là lúc con bắt đầu nôn ói. Lúc này, con đã dùng sữa dị ứng và đã được điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc. Khắp thành phố, không một y bác sĩ nào tìm ra lí do con không chịu ăn. Các bác sĩ gợi ý chúng tôi xem xét phương án phẫu thuật gắn ống Gtube từ thành bụng vào thẳng dạ dày..

Xem thêm  Bí quyết giúp trẻ ăn ngoan, mẹ an nhàn đơn giản bất ngờ

Khi con 10 tháng tuổi, con nặng 6,4kg. Tôi không còn cách nào khác ngoài quyết định để con tự quyết, theo phương pháp Không Ép. Sau khoảng 1 tháng, con tăng cân. Bác sĩ của con đồng ý với việc tháo ống dẫn sữa.

Với mong muốn hỗ trợ các ông bố, bà mẹ đang khổ sở cho con ăn uống mỗi ngày, tôi đã lập ra nhóm Facebook Biếng ăn Tâm lý ở Trẻ em vào tháng 9 năm 2020. Khởi đầu là một nhóm nhỏ dưới 200 thành viên, đến nay (tháng 11 năm 2021), nhóm đã phổ cập phương pháp Không Ép đến hơn 100 nghìn các bậc cha mẹ và hỗ trợ chữa chứng sợ ăn, biếng ăn tâm lý cho rất nhiều những em bé đã từng cứ nhìn thấy bình sữa/ bát cơm là khóc. Cô bác, các anh chị em và các bạn có thể tìm đọc thêm về những sự thật, việc thật trên Fanpage Biếng ăn Tâm lý ở Trẻ em.

Đăng tải kiến thức và kinh nghiệm chắt lọc từ hành trình đọc hiểu, tôn trọng tiếng nói con trẻ của chính mình và rất nhiều những chuyên gia, những bà mẹ trong nhóm lên website này, tôi hi vọng các bà mẹ, đặc biệt là những bà mẹ lần đầu có con như tôi, sẽ có thêm một kênh kiến thức bổ ích, đã được kiểm chứng để chăm con, nuôi con và rèn con trong vui vẻ và tự tin.

Nếu cô bác, các anh chị em và các bạn có thêm thắc mắc, tôi xin mời mọi người vào nhóm Facebook Biếng ăn Tâm lý ở Trẻ em để đăng video, lịch sinh hoạt của bé với đầy đủ thông tin, giúp cho tôi và các bà mẹ có kinh nghiệm có thể hỗ trợ cô bác, các anh chị em và các bạn chính xác và đầy đủ nhất.

Tác giả Vũ Quỳnh Anh là tiến sĩ Dược tốt nghiệp tại Đại học Mercer, Georgia, Mỹ. Chị đồng thời là người sáng lập nhóm “Biếng ăn tâm lý ở trẻ em - Batlote" trên Facebook năm 2020, đến nay có gần hai trăm nghìn thành viên. Với sự hỗ trợ của chị và các cộng sự, các bà mẹ đã và đang cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm áp dụng phương pháp “Không Ép" giúp con ăn ngoan, vui khỏe. Chị cũng đang bước đầu đồng hành, tư vấn giáo dục sớm cho các bé có biểu hiện chậm nói, hoặc phát triển đặc biệt.