Back
4ae11a85f6c7319968d6

Môi trường ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), riêng năm 2019, Mỹ ghi nhận khoảng 1.250 trường hợp đột tử sơ sinh, trong đó 1.180 trẻ tử vong không rõ nguyên nhân và khoảng 960 trẻ tử vong do ngạt thở trên giường. Vì điều này mà bố mẹ cần loại trừ mọi yếu tố rủi ro trong môi trường ngủ của trẻ:

– Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ

– Sử dụng nệm cứng, ga trải giường vừa vặn, không lùng bùng

– Cũi bé nên ở chung phòng với bố mẹ, tốt nhất là đến khi trẻ 1 tuổi

– Trong cũi nên thoáng và không có thú bông to mềm, chăn gối dày tránh làm trẻ ngộp thở

– Không đội nón, giữ nhiệt độ mát mẻ, không để trẻ quá nóng (trẻ chảy mồ hôi hoặc ngực sờ thấy nóng).

Tại Việt Nam, nơi đại đa số bố mẹ thường hay ngủ chung với con nhỏ, bố mẹ có thể đảm bảo an toàn cho môi trường ngủ của con bằng cách:

– Chừa một chỗ trống cho con nằm, cách xa bố mẹ

– Nếu con đã biết lật, dừng quấn tay con khi ngủ

– Một số trẻ có thể lật lẫy trong khi ngủ, mẹ nên lật con nằm ngửa lại. Nếu cần, mẹ có thể mua máy theo dõi đo nhịp tim và nhịp thở của con, ví dụ như máy của Owlet hoặc Snuza

– Nệm nằm nên cứng, ga giường vừa nệm, chăn gối của bố mẹ ở xa con

– Thay vì đắp chăn cho trẻ, mẹ nên dùng túi ngủ rộng chân cho con

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý một số yếu tố dưới đây:

Xem thêm  Bé John Đã Biết Ăn Cơm Nhờ Phương Pháp KHÔNG ÉP

Nhiệt độ

Tại các nước lạnh như phương Tây, nhiệt độ ngủ tối ưu cho các bé được ghi nhận ở 20-22°C. Nhưng ở châu Á, việc bắt buộc giữ môi trường ngủ ở nhiệt độ 20-22°C là không cần thiết và không phải lúc nào cũng khả thi.

Nếu nhiệt độ vừa phải, người bé không nóng không lạnh, bé không chảy mồ hôi và ngủ tốt thì đây là nhiệt độ lý tưởng. Thân nhiệt của trẻ có thể nóng hơn thân nhiệt người trưởng thành nên cho dù người lớn cảm thấy lạnh, chưa chắc trẻ đã cần mặc nhiều quần áo khi đi ngủ. Mặc quá nhiều đồ, bí mồ hôi khi đi ngủ cũng khiến bé bị nóng, dễ nổi mẩn, khó thở và dễ bị ngạt thở hơn.

Ánh sáng

Mẹ nên cho trẻ ngủ trong ánh sáng yếu kể cả khi ngủ trưa vào ban ngày. Khi có nhiều ánh sáng, trẻ nhìn thấy nhiều thứ, dễ bị kích thích, hưng phấn hơn và khó ngủ hơn. Vì vậy để giúp trẻ ngủ tốt hơn, mẹ nên tắt đèn và che các cửa sổ lại khi cho bé đi ngủ.

Vật trấn an

Mẹ nên giới thiệu vật trấn an là thú nhồi bông nhỏ, các vật mềm mịn, gọn nhẹ, không có khả năng làm bé ngạt thở. Mẹ tuyệt đối không nên nhét đầy cũi bé với các món đồ chơi, thú nhồi bông to, chăn dày. Thú nhồi bông to, chăn dày nếu vô tình đè lên mặt bé khi ngủ sẽ dễ gây ra hiện tượng đột tử trẻ sơ sinh.

Tác giả Vũ Quỳnh Anh là tiến sĩ Dược tốt nghiệp tại Đại học Mercer, Georgia, Mỹ. Chị đồng thời là người sáng lập nhóm “Biếng ăn tâm lý ở trẻ em - Batlote" trên Facebook năm 2020, đến nay có gần hai trăm nghìn thành viên. Với sự hỗ trợ của chị và các cộng sự, các bà mẹ đã và đang cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm áp dụng phương pháp “Không Ép" giúp con ăn ngoan, vui khỏe. Chị cũng đang bước đầu đồng hành, tư vấn giáo dục sớm cho các bé có biểu hiện chậm nói, hoặc phát triển đặc biệt.

Leave A Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *