Dạy gì cho trẻ 0-12 tháng tuổi
Ở năm đầu tiên, trẻ tăng trưởng và phát triển với tốc độ nhanh nhất. Làm sao để không bỏ lỡ giai đoạn quan trọng này, trong khi lựa chọn được phương pháp giáo dục phù hợp chắc hẳn là câu hỏi của rất nhiều bố mẹ trẻ..
Lời khuyên cho các bố mẹ là: đừng quá để ý đến những trẻ xung quanh, cũng không nên hoảng loạn hay áp lực. Kể cả chưa tìm được phương pháp cụ thể, bố mẹ vẫn sẽ khuyến khích con phát triển đồng đều nếu thực hiện xuyên suốt 3 hoạt động như dưới đây:
- Tổ chức chơi, tập và phát triển vận động cho trẻ
Tùy theo lịch sinh hoạt và phản xạ của con mà bố mẹ chọn thời gian cho con tập luyện vận động sao cho phù hợp. Ví dụ như: nếu trẻ dễ nôn, trớ khi nằm sấp, bố mẹ cho bé tập vận động trước khi ăn. Hoặc nếu trẻ không hay nôn trớ, bố mẹ có thể cho trẻ tập sau bữa ăn khoảng 30 phút.
- Tập vận động nằm sấp khi thức (tummy time): sau khi sinh được 1 tuần tuổi, trẻ hoàn toàn có thể bắt đầu bài tập giúp cứng cổ này
- Tập phản xạ nghe nhìn: bố mẹ vỗ tay qua trái hoặc phải để bé quay qua quay lại và dõi theo tay bố mẹ
- Tập phản xạ cầm nắm: cho bé nắm lấy tay bố mẹ và tận dụng lực tay con đang nắm, bố mẹ kéo nhẹ người con lên, giúp con rèn lực tay, rèn vận động tinh, phản xạ và cảm giác ở lòng bàn tay cho bé – phục vụ cho việc trườn bò sau này
- Tập cho bé đạp chân, tập trườn cho bé tăng lực chân, khép khoảng cách khớp háng
- Tới 4 -5 tháng tuổi, bố mẹ khuyến khích các cử động chân, các động tác nhanh ở trẻ như đạp xe, lấy bàn chân đưa lên miệng …
- Tới 6 tháng trở đi, bố mẹ có thể bắt đầu cho bé vận động thăng bằng, leo trèo, bốc nhón để bé phát triển cân bằng cả về vận động tinh và vận động thô
2. Tổ chức hoạt động giao lưu trực tiếp giữa trẻ và bố mẹ
Trò chuyện tiếp xúc giữa bé và ba mẹ sẽ hình thành sự liên kết tình cảm, giúp bé phát triển cảm xúc và phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ. Đây chính là hoạt động chủ đạo và quan trọng nhất!
- Thủ thỉ nói chuyện, đọc thơ, hát với âm lượng vừa phải, kể chuyện với giọng nhẹ nhàng, có ngữ điệu linh hoạt để bé cảm nhận được khi vui vẻ giọng ra sao, tức giận giọng thế nào, giọng bố và mẹ khác nhau như thế nào….
- Dùng các câu ngắn để giới thiệu đồ vật xung quanh. Ví dụ: ‘đây là cá sấu, mõm dài, đuôi dài, màu xanh lá. Hay ‘đây là mẹ, đây là tay, đây là chân’ – ngắn gọn xúc tích để bé hiểu và dễ nhớ
- Bắt đầu từ 9 tháng trở đi, bố mẹ có thể khuyến khích con nói theo, dạy con các từ đơn như ăn, uống, bỉm… Phát âm có thể chưa đúng nhưng bố mẹ vẫn nên động viên để con hình thành cơ sở ban đầu của việc phát triển ngôn ngữ
- Việc tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ và bố mẹ diễn ra thường xuyên, ngay cả khi ba mẹ nói chuyện với nhau khi có sự có mặt của con. Cảm xúc của bố mẹ – xấu hoặc tốt – đều có thể tác động tới bé. Bé sẽ học hỏi cử chỉ, hành động và cảm xúc của ba mẹ trong mọi hoàn cảnh, vì vậy ba mẹ cần làm chủ cảm xúc, cố gắng mang sự vui vẻ, tích cực khi có con hiện diện
3. Tổ chức hoạt động với đồ vật
- Cho xem tranh kích thích thị giác khi tập nằm sấp khi thức
- Cho tập cầm nắm đồ vật như lục lạc, xúc xắc nhỏ, làm mẫu dạy bé cách lắc ra tiếng kêu
- Mua bóng bay, hoặc đồ treo nôi để bé quờ tay, sờ và cảm nhận. Buộc bóng vào chân bé để bé đạp chân thấy bóng giật. Từ 2m tuổi màu sắc đã rõ hơn, bố mẹ nên chọn đồ chơi sặc sỡ để bé nhìn và phân biệt
- Cho bé được và sờ cảm nhận mọi thứ xung quanh; tay mẹ, mặt mẹ, đồ chơi. Điều này giúp bé cảm nhận được các thể lỏng hoặc rắn, đặc hoặc rỗng, nóng hoặc lạnh, ướt hoặc khô, mềm hoặc cứng – từ đó phát triển giác quan và khả năng nhận biết
- Từ 6 tháng trở đi, trẻ sẽ biết nhìn đồ chơi di chuyển, quay đầu chú ý về đồ vật tạo ra âm thanh, giơ tay với cầm nắm đồ chơi, cầm đồ chơi chuyển từ tay này qua tay kia. Lúc này, bố mẹ có thể cho bé chơi những trò chơi kết hợp giữa thị giác – thính giác – vận động tay cho bé
- Từ 9 tháng trở đi, trẻ có thể chơi với mọi đồ vật xung quanh. Lúc này bố mẹ có thể làm mẫu và giúp bé tập đóng mở nắp hộp, xếp hình,….
Quan trọng là:
– Động tác bố mẹ nhẹ nhàng linh hoạt, không làm trẻ đau, sợ hay áp lực
– Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tập vận động
– Không tách riêng từng nội dung mà nên kết hợp các nội dung hoạt động lại với nhau trong quá trình tổ chức cho bé. Ví dụ: bố mẹ nằm sấp trước mặt bé, tay cầm đồ chơi giơ ra cách bé 10 cm, thủ thỉ khuyến khích bé trườn lên, cầm đồ chơi. Khi con cầm được đồ chơi rồi thì bố mẹ giới thiệu: “đây là quả bóng màu vàng”.
– Số lần chơi tập phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm sinh lý và mức độ phát triển của trẻ. Các bài tập nên được sắp xếp từ dễ tới khó để bé làm quen dần dần.
– Gọi là bài tập nhưng đây là những hoạt động tương tác giữa bố mẹ với con thường ngày, chỉ cần bố mẹ tập cùng con, vui vẻ tận hưởng từng khoảnh khắc bên con, bố mẹ sẽ không thấy áp lực, con cũng sẽ thoải mái mà phát triển.
Phương pháp giáo dục nào thì mục đích cuối cùng cũng là để giúp con phát triển toàn diện. Vì vậy, bố mẹ đừng chạy theo clip tiktok, máy móc theo những video thành quả mà gây áp lực lên chính mình và con nhé.
Tài liệu tham khảo:
- Đề cương bài giảng Giáo dục học mầm non – Ts. Hà Thị Kim Linh
- Tâm lý học phát triển – Chương 4+5 Tuổi sơ sinh và tuổi chập chững.
- Hội thần kinh học Việt Nam.
P/S: Đây là kiến thức bản quyền được viết riêng cho Nhóm BATLOTE. Nếu bố mẹ thấy bài viết này ở nơi khác, xin nhắn tin cho page BATLOTE.